Vắc xin là sản phẩm sinh học dùng để tiêm chủng cho các cá thể để tạo ra miễn dịch chủ động bảo vệ chống lại một căn bệnh cụ thể. Vắc xin tương tác với hệ thống miễn dịch và thường tạo ra một đáp ứng miễn dịch tương tự như tạo ra bởi các nhiễm trùng tự nhiên, nhưng không gây bệnh hoặc các biến chứng tiềm tàng cho người nhận.
Tại sao phải tiêm vắc xin cho trẻ
– Hệ thống miễn dịch của trẻ dưới 5 tuổi thường chưa hoàn chỉnh và sức đề kháng với bệnh cũng kém.
– Trẻ thường tiếp xúc không chọn lọc và dễ lây truyền bệnh nhất là ở môi trường nhà trẻ, trường học.
– Một số bệnh có khuynh hướng ngày càng gia tăng như SARS, H1N1, H5N1.
– Khả năng điều trị một số bệnh của y học hiện đại vẫn còn hạn chế, thậm chí ngay cả khi được điều trị kịp thời vẫn có thể để lại di chứng nặng hay tử vong.
Những loại vắc xin cần tiêm cho trẻ
1. Vắc-xin ngừa bệnh lao
Tiêm vắc-xin BCG cho trẻ nhỏ có thể phòng được lao màng não và các thể lao nặng khác ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tất cả trẻ em dưới 12 tháng tuổi đều cần phải được tiêm phòng bệnh lao, càng sớm càng tốt sau khi sinh.
Những phản ứng hiếm gặp gồm: Sưng hoặc áp xe tại chỗ tiêm. Sưng hạch có thể gây mủ, xảy ra trong vòng 2- 6 tháng sau khi tiêm, tại cùng một bên người với chỗ tiêm chủng.
Sưng hạch hoặc áp xe thường xảy ra do tiêm không đảm bảo vô trùng hoặc tiêm quá nhiều vắc-xin, nhưng phổ biến nhất là do thay vì tiêm trong da thì lại tiêm dưới da. Hoãn tiêm đối với trẻ: đẻ non cân nặng dưới 2,5kg, trẻ đang bị sốt, bị bệnh truyền nhiễm cấp tính và bị viêm da có mủ.
Có rất ít phản ứng nặng sau tiêm BCG. Có khoảng 1/1.000.000 trường hợp bị nhiễm lao sau tiêm BCG, hay xảy ra ở những trường hợp nhiễm HIV hoặc những trường hợp thiếu hụt miễn dịch nặng.
2. Vắc-xin ngừa thủy đậu
Bệnh thủy đậu, là loại bệnh phát ban rất dễ lây ở trẻ do virus thủy đậu gây ra. Bệnh thủy đậu có thể gây ra nhiễm trùng và các biến chứng nguy hiểm khác. Thường trẻ bị thủy đậu có thể dẫn đến bị bệnh zona, một bệnh phát ban phồng rộp rất đau đớn.
Loại vắc-xin phòng bệnh này được tiêm chủng cho trẻ tốt nhất ở độ tuổi 12 đến 15 tháng và nhắc lại vào độ tuổi giữa 4 và 6 tuổi.
Đối với trẻ nhạy cảm, triệu chứng thường thấy khi tiêm vắc-xin là sốt hay phát ban nhẹ.
3. Viêm gan siêu vi B
Vaccine viêm gan B là loại vaccine giúp cơ thể con chống lại virus viêm gan B, lây truyền qua máu và dịch tiết cơ thể. Sau khi tiêm, con có thể bị đau ở vết tiêm hoặc sốt nhẹ. Nếu có những biểu hiện bất thường khác, mẹ nên đưa con tới bệnh viện sớm.
Cần tiêm vaccin viêm gan B cho trẻ sớm ngay sau khi sinh 24h và phải đảm bảo tiêm đủ bốn liều trong 2 năm.
4. Viêm gan A
Virus viêm gan A có thể xâm nhập vào trẻ từ đồ ăn hay thức uống bị ô nhiễm. Bệnh sẽ gây tổn hại gan với những triệu chứng như sốt, mệt mỏi, vàng da, chán ăn. Vì thế khi con được 12 tháng tuổi trở lên, mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng viêm gan A. Mũi tiêm nhắc lại cách mũi đầu ít nhất 6 tháng.
Những trường hợp không nên tiêm chủng
– Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau lần tiêm chủng trước đó (như sốt cao trên 39độ C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở).
– Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan…). Trẻ bị suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh) có chống chỉ định tiêm chủng các loại vắc-xin sống.
– Bộ Y tế cũng quy định rõ việc thực hiện tạm hoãn tiêm vắc-xin trong các trường hợp: trẻ mắc các bệnh cấp tính; trẻ sốt 37,5 độ C trở lên hoặc hạ thân nhiệt 35,5độ C trở xuống (đo nhiệt độ tại nách); trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B); trẻ đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày; trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2 kg và những trường hợp khác theo hướng dẫn của các nhà sản xuất.